Học viện An ninh nhân dân - Những năm tháng hào Hùng
Học viện An ninh nhân dân (ANND) hiện nay - tiền thân là Trường Huấn luyện Công an được thành lập ngày 25-6-1946. Trải qua các giai đoạn cách mạng, Học viện ANND đã được mang các tên: Trường Huấn luyện Công an (1946 - 1949); Trường Công an Trung cấp (1949 - 1953); Trường Công an Trung ương (1953 - 1974); Trường Sĩ quan An ninh (1974 - 1981); Trường đại học An ninh nhân dân (1981 - 2001). Từ năm 2001 đến nay là Học viện ANND (phiên hiệu là C500).
Năm 2015, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4) và 70 năm Ngày truyền thống CAND (19-8)... Nhìn lại những năm tháng oanh liệt đó, Học viện ANND tự hào về những cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thầy và trò của Trường Công an Trung ương (nay là Học viện ANND) đã nỗ lực, cố gắng hết mình, vượt mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó. Sự nỗ lực ấy được ghi dấu qua bức tranh toàn cảnh về Trường Công an Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong suốt thời kỳ gian khổ nhưng rất vẻ vang đó, công tác đào tạo của nhà trường luôn có sự điều chỉnh, gắn với nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhất là giai đoạn 1954 - 1964, Trường Công an Trung ương đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền nam. Nhà trường mở các lớp đào tạo trung cấp, các lớp bồi dưỡng cấp tốc với nhiều loại hình khác nhau, như: lớp bổ túc, lớp nghiệp vụ ngắn hạn, lớp nghiên cứu. Nhà trường đã từng bước xây dựng hoàn thiện chương trình chính thức cho các khóa đào tạo Công an sơ, trung và cao cấp, gồm các phần chính trị, nghiệp vụ, pháp luật và quân sự - võ thuật. Từ năm 1954 đến năm 1964, trường đã đào tạo, bồi dưỡng 192 lớp, với hơn 17 nghìn học viên (trong đó, trường đã mở chín lớp với 992 học viên phục vụ công tác chi viện cho cách mạng miền nam), đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng lực lượng Công an, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở miền bắc và vùng giải phóng ở miền nam. Bước sang giai đoạn từ năm 1964 - 1975, trước những thay đổi của tình hình chính trị, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Trường Công an Trung ương chuyển hướng đào tạo, huấn luyện cán bộ, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1969, nhà trường mở các lớp đào tạo ngắn hạn phục vụ yêu cầu trước mắt của ngành, như lớp Sơ cấp Công an (S1), lớp huấn luyện ngắn hạn cho cán bộ Công an huyện và trưởng, phó Công an huyện, lớp huấn luyện Công an đi B. Trường cũng mở các lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa phổ thông, đồng thời mở các khóa học có trình độ cao đẳng và tương đương đại học. Từ năm 1966 đến 1974, nhà trường liên tục mở 57 khóa đào tạo, bồi dưỡng với 5.702 học viên để chi viện cho chiến trường miền nam.
Đặc biệt, tháng 9-1969, Bộ trưởng Công an lần đầu ký quyết định công bố Bản mục tiêu, chương trình đào tạo đại học Công an và quyết định giao cho Trường Công an Trung ương đảm nhiệm việc tổ chức giảng dạy khóa đại học Công an đầu tiên (có chiêu sinh học sinh phổ thông). Đây là mốc phát triển và trưởng thành mang tính bước ngoặt của trường. Trường đã bước sang giai đoạn mới đào tạo hệ chính quy, tập trung dài hạn, đưa trường hội nhập vào hệ thống giáo dục đại học quốc dân. Tháng 10 năm 1969, Trường đã tổ chức lễ khai giảng cho khóa đào tạo đại học Công an đầu tiên của ngành, gọi là khóa Đ1, đào tạo sĩ quan An ninh (ký hiệu Đ1-ĐTSQAN). Khóa học được đào tạo theo chương trình chính quy, tập trung, dài hạn sáu năm, trình độ đại học Công an và được chia theo bốn chuyên khoa đào tạo: chuyên khoa Trinh sát, chuyên khoa Công an huyện, chuyên khoa Chấp pháp, chuyên khoa Cảnh sát - sau này được chuyển về Học viện Cảnh sát. Cùng với việc đào tạo trình độ đại học, Trường đã mở lớp chuyên tu sĩ quan, còn gọi là lớp Bổ túc sĩ quan cấp 2 (T4). Thời gian học một năm rưỡi để đạt trình độ trung cấp Công an. Trong các năm tiếp theo, trường tiếp tục chiêu sinh các khóa Đ2, Đ3, Đ4. Trong năm 1974, nhà trường chiêu sinh khóa Đ5-SQAN và khóa Đ6-SQAN, các khóa học được đào tạo theo chương trình chính quy trong 5 năm.
21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Công an Trung ương đã bồi dưỡng kiến thức cho 11.576 cán bộ Công an chi viện chiến trường miền nam (8.038 cán bộ Công an nhân dân và 3.538 cán bộ Công an vũ trang) đáp ứng yêu cầu cách mạng hai miền. Với thành tích đạt được, trường trở thành cơ sở đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân về đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cùng với công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu của nhà trường luôn được duy trì và không ngừng đẩy mạnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Xác định nhiệm vụ của công tác nghiên cứu khoa học là vừa phục vụ công tác giảng dạy về cả nội dung và phương pháp, vừa phục vụ công tác chiến đấu của ngành, vừa góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, giáo viên. Một số quy định về quản lý khoa học được xây dựng và ban hành kịp thời. Qua kết quả nghiên cứu khoa học, hàng trăm giáo trình, tài liệu dạy học được hoàn thành, in thành sách để phục vụ công tác giảng dạy. Công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đóng góp quan trọng trong việc đặt nền móng xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân; đồng thời góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước và ngành Công an xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, phương hướng, kế hoạch bảo vệ an ninh, trật tự trong từng giai đoạn cách mạng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ và ác liệt, yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nặng nề, quy mô đào tạo mở rộng, điều kiện cơ sở vật chất không được tăng cường, nhưng Trường Công an Trung ương vẫn vững vàng tổ chức tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác phục vụ dạy và học. Hàng trăm cán bộ, giáo viên đã lập được thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu; bảo đảm an toàn công tác phòng không, sơ tán, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ trước mắt của cách mạng hai miền nam - bắc và cả cách mạng Lào, Cam-pu-chia. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được xem là giai đoạn nền tảng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Trường Công an Trung ương, nó có ý nghĩa to lớn, đặt nền móng cho sự phát triển của nhà trường trong những giai đoạn tiếp theo.
Với những thành tích đáng tự hào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 2-2-2015, Học viện ANND vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".
Những thành tích to lớn và dấu ấn trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Trường Công an Trung ương là do sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Đảng ủy Công an Trung ương trong việc linh hoạt, thay đổi mục tiêu, chương trình đào tạo cán bộ, chiến sĩ Công an để phù hợp với những thay đổi của tình hình chính trị đất nước. Đó là sự lãnh đạo xuất sắc của các đồng chí Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương qua các thời kỳ, tạo nền móng từ những ngày đầu thành lập: đồng chí Lê Giản (giai đoạn 1946 - 1953), đồng chí Trần Quốc Hoàn (giai đoạn 1953 -1962), đồng chí Phạm Văn Nghi (giai đoạn 1962 - 1974), đồng chí Hoàng Mai (giai đoạn 1974 -1978). Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ là sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường, để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trách nhiệm lớn lao của nhà trường trong giai đoạn cách mạng lịch sử này đã dành được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác đã năm lần tới thăm trường (hai lần vào năm 1958; năm 1959, năm 1960 và 1963 mỗi năm một lần). Đây thật sự là động lực, là sức mạnh tinh thần to lớn để Trường Công an Trung ương vững bước phát triển.
Nhìn lại 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bề dày lịch sử 69 năm xây dựng và phát triển, thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên Học viện ANND hôm nay có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của nhà trường và tiếp tục cố gắng để phát huy truyền thống ấy, làm rạng rỡ danh tiếng C500.
Tag:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT
XEM NHIỀU NHẤT
-
Thông báo điểm trúng tuyển Khóa 55 đại học chính quy tuyển mới năm 2023 đối với công dân tốt nghiệp trung học phổ thông theo Phương thức 3 và tổ chức xác nhận nhập học cho thí sinh trúng tuyển
-
Thông báo xét tuyển bổ sung vào ngành Y khoa, Khóa 55 đại học chính quy tuyển mới công dân tốt nghiệp trung học phổ thông của Học viện An ninh nhân dân, năm 2023
-
Công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường Công an nhân dân năm 2023
-
Hơn 1000 sinh viên tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh của Học viện An ninh nhân dân
-
Thông báo tuyển dụng lao động hợp đồng
-
Khai giảng Khóa 03 đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mở tại Học viện An ninh nhân dân