Trình Quốc hội Luật CAND (sửa đổi) với nhiều nội dung mới
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu |
Sáng ngày 7-6, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về Dự án Luật CAND (sửa đổi).
Việc sửa đổi Luật CAND là cần thiết, cấp bách.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật CAND nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trong đó, xác định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Quốc hội đã thông qua nhiều luật, bộ luật có những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND như: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Cảnh vệ năm 2017… đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật CAND 2014 bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.
Ngoài ra, thực tiễn thi hành Luật CAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan đối với hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND nên việc triển khai thi hành còn lúng túng; thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND chưa phù hợp; chưa quy định rõ, đầy đủ về phát triển công nghiệp an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, Hiến pháp năm 2013 và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới...
“Từ những căn cứ nêu trên cho thấy, việc ban hành Luật CAND (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật CAND năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật cho biết: UBQPAN tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật CAND với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, UBQPAN đánh giá cao việc Bộ Công an đã đi đầu và nghiêm túc trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
“Theo đó, việc sửa đổi Luật CAND trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới” – Ông Võ Trọng Việt khẳng định.
Điều động 25.000 Công an chính quy xuống xã
Về việc chính quy hoá lực lượng Công an xã, Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định tổ chức bộ máy sẽ được bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn. Hiện nay, số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy là 1.065; số đơn vị Công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516.
Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt
“Như vậy, để xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 Công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh Công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn” – Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Cơ bản tán thành với nội dung này, UBQPAN đề nghị quy định bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với lực lượng Quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa 2 Luật.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng, mà cần quan tâm đầu tư xây dựng chính quy về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị và chế độ, chính sách… Đây là nội dung mới, có sự thay đổi căn bản so với quy định của pháp luật hiện hành, do đó, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp làm căn cứ để giao Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
Đề nghị Quốc hội xem xét chức vụ có cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng
Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, dự thảo Luật quy định theo hướng: Không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an (khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật).
UBQPAN tán thành cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, vì cho rằng, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được điều chỉnh theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, không tổ chức cấp tổng cục. Theo đó, cấp cục là cấp nghiên cứu, tham mưu chiến lược; có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn toàn lực lượng; là đơn vị đầu ngành, trực tiếp chiến đấu trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo lĩnh vực được phân công; các đơn vị trực thuộc Bộ được thành lập trên cơ sở sáp nhập nhiều đơn vị cấp cục hiện nay; do đó chức năng, nhiệm vụ cũng được bổ sung, quy mô tổ chức được tăng lên nên việc nâng trần cấp bậc hàm đối với vị trí lãnh đạo ở một số đơn vị cấp cục là phù hợp.
Toàn cảnh phiên họp
Một số ý kiến băn khoăn với quy định này vì cho rằng, theo chủ trương của cấp có thẩm quyền thì việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ trong luật, đúng nhu cầu. Do đó, đề nghị báo cáo cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đề nghị cân nhắc quy định cấp bậc hàm cao hơn một bậc đối với các chức vụ quy định tại khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật.
Báo cáo cấp có thẩm quyền cấp bậc hàm cấp tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh
Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh có 3 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng: Việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong Luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ như các cục thuộc Bộ; đồng thời bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh và vẫn bảo đảm tổng số tướng của lực lượng Công an theo xác định của cấp có thẩm quyền. Ý kiến này cũng đề nghị xem xét sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Loại ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với QĐND ở địa phương. Mặt khác, việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I như Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH không căn cứ vào tiêu chí về an ninh, trật tự; đồng thời, băn khoăn cho rằng trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.
UBQPAN nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ; nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian.
“Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” – Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt nêu rõ.
Khoản 1, Điều 26 dự thảo Luật CAND (sửa đổi) về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan CAND quy định các chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như sau:
a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an;
c) Trung tướng: Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP. Hà Nội, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh;
d) Thiếu tướng: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng và tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này;
Trích nguồn: Báo CAND online.
Tag:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Việt Nam – Mông Cổ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật
- Tiếp tục tăng cường hợp tác chuyên ngành với các cơ quan thực thi pháp luật Liên bang Nga
- Góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia
- Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất
- Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT
XEM NHIỀU NHẤT
-
Thông báo bổ sung tuyển sinh trình độ đại học các hệ đào tạo năm học 2024 - 2025 của Học viện An ninh nhân dân
-
Thông báo điểm trúng tuyển Khóa 56 đại học chính quy tuyển mới năm 2024 đối với công dân tốt nghiệp trung học phổ thông và tổ chức xác nhận nhập học cho thí sinh trúng tuyển
-
Nhận diện âm mưu lợi dụng bạo loạn, biểu tình ở một số nước nhằm kích động “cách mạng màu” tại Việt Nam
-
Học viện An ninh nhân dân hướng về đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 - Siêu bão Yagi
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Tổng kết và trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024