Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác chuẩn bị bầu cử đã và đang được triển khai đồng bộ, khẩn trương
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đã và đang được triển khai đồng bộ, khẩn trương. Qua 3 vòng hiệp thương, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức những người đủ điều kiện tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.
Ủy ban bầu cử các cấp cũng công bố danh sách chính thức những người đủ điều kiện tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, gần đến ngày bầu cử, tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến khá phức tạp. Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, xung quanh công tác chuẩn bị bầu cử.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, từ nay cho đến ngày 23-5, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Đến nay, các địa phương đang tiến hành tổ chức để người ứng cử tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Thời gian vận động bầu cử của người ứng cử được thực hiện từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Để chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử, thời gian tới đây, Hội đồng Bầu cử quốc gia triển khai và chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai thực hiện có chất lượng các hoạt động kiểm tra, giám sát, xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid 19; phối hợp với các cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến nhân sự ứng cử. Cùng với đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia phối hợp với các tiểu ban hướng dẫn các địa phương giải quyết những vướng mắc trong công tác bầu cử cũng như khi cuộc bầu cử được tổ chức; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho người ứng cử để xây dựng chương trình hoạt động khi tiếp xúc cử tri; tiếp nhận hồ sơ và biên bản ngày bầu cử; xác nhận tư cách đại biểu sau khi trúng cử và công tác báo cáo tổng kết công tác bầu cử Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất khóa XV.
PV: Thưa đồng chí, công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có những điểm mới gì cần lưu ý?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Trong cuộc bầu cử này có 3 điểm mới trọng tâm. Thứ nhất, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ sớm. Trên cơ sở Đề án phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Đảng đoàn Quốc hội trình, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử. Từ đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã được thành lập; nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia được kiện toàn từ sớm. Các công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Các tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng được kiện toàn sớm. Từ đó, tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, các hoạt động hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử kịp thời triển khai.
Thứ hai, cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Trước hết, về số lượng ĐBQH chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. Tiếp đến là việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND khi áp dụng độ tuổi theo lộ trình được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và việc tính tuổi được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.
Thứ ba, công tác chuẩn bị bầu cử được đặt ra trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua hai đợt giám sát (đợt 1, đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia, các địa phương đã chủ động PCD và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp nhiễm Covid-19 tại địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được quan tâm và các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương luôn đề cao tinh thần PCD để bảo đảm cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, hiệu quả. Đây cũng là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế.
PV: Vừa rồi, một số địa phương đề nghị được tiến hành bầu cử sớm ở một số khu vực bỏ phiếu. Việc bầu cử sớm được thực hiện trong những trường hợp nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Việc bỏ phiếu sớm đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia dự lường và pháp luật cho phép, để bảo đảm tính phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, cơ quan trong ngày bầu cử. Các yếu tố để Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định việc bầu cử sớm trước hết căn cứ vào vị trí, địa hình của khu vực bỏ phiếu là hải đảo, vùng núi, vùng cao đi lại khó khăn hoặc tại các khu vực bỏ phiếu riêng của lực lượng vũ trang (LLVT). Thẩm quyền quyết định việc bầu cử sớm là của Hội đồng Bầu cử quốc gia nhưng phải dựa trên cơ sở đề xuất của ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hiện nay, đã có 12 ủy ban bầu cử cấp tỉnh đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép bầu cử sớm tại một số địa phương. Căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có văn bản đồng ý. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử, trên cơ sở đề nghị của ủy ban bầu cử các địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tiếp tục xem xét, quyết định.
Để bảo đảm những nguyên tắc trong hoạt động bầu cử tại những khu vực bỏ phiếu sớm so với ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Văn bản số 193/VPHĐBCQG-PL ngày 30-4-2021 hướng dẫn việc tổ chức bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu sớm. Các nội dung hướng dẫn tập trung vào công tác niêm phong phiếu, bảo quản và kiểm phiếu để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, không ảnh hưởng đến kết quả chung tại đơn vị bầu cử.
PV: Qua kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử, theo đồng chí, thời gian tới, các địa phương cần phải rút kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Thời gian tới, các địa phương cần tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để bảo đảm cao nhất số cử tri đi bầu cử; tổ chức mạn đàm và tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, qua đó giúp cử tri bầu đúng người có năng lực, trình độ, phẩm chất đại diện cho mình; tập huấn kỹ và thực hành cụ thể cho lực lượng tổ chức bầu cử để vận hành trơn tru, không lúng túng. Cùng với đó, từng địa phương cần dự lường các tình huống có thể phát sinh để có các phương án ứng phó không bị động, bất ngờ; chú trọng triển khai công tác PCD nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân.
PV: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Hội đồng Bầu cử quốc gia có phương án nào cho công tác bầu cử?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Để ứng phó với tình hình dịch Covid-19, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương luôn đề cao công tác PCD. Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan chức năng đã có các văn bản hướng dẫn cách thức xử lý đối với trường hợp tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11-1-2021 của Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ về công tác tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có quy định về công tác bầu cử khi phát sinh các tình huống trước, trong và sau ngày bầu cử, đặc biệt là tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngày 13-4-2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế PCD Covid-19 tại các địa phương có dịch phát sinh.
Đến giai đoạn hiện nay, các địa phương đang tổ chức hội nghị để người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử nhưng tình hình trong nước đang có diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Do vậy, ngày 4-5-2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có công văn gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri phù hợp với yêu cầu PCD Covid-19.
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị bầu cử của các đơn vị quân đội?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Trong bất kỳ nhiệm vụ nào của đất nước, không thể tách khỏi vai trò của LLVT. Ngay từ khi triển khai các công tác bầu cử, sự tham gia và nhiệm vụ của LLVT đã được khẳng định và phân định rõ. Thành viên tham gia tổ chức phụ trách bầu cử ở Trung ương và địa phương đều có các nhân sự đại diện cho LLVT. Trong cuộc bầu cử này, LLVT không chỉ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng mà còn hỗ trợ các cấp chính quyền, các cơ sở y tế trong công tác PCD, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng tại những địa bàn biên giới giáp với các nước đang có diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19. Qua kiểm tra, Hội đồng Bầu cử quốc gia nhận thấy: Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội đã rất chủ động, tích cực triển khai rất tốt công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng quy định. Cùng với đó, quân đội còn là một trong những lực lượng tiên phong trên mặt trận PCD Covid-19. Không chỉ chốt chặn nới biên giới, quân đội còn tham gia tích cực việc tổ chức cách ly công dân, phun hóa chất khử khuẩn...
Phát huy tinh thần đó, tôi hy vọng và tin chắc rằng, ngoài việc tham gia vào cuộc bầu cử với vai trò là những cử tri trong LLVT thì cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào thành công chung của cuộc bầu cử, để ngày 23-5-2021 tới đây thực sự là Ngày hội của toàn dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tag:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
- Bãi bỏ một số quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình đặc thù
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng
- Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Đại sứ các nước trình Quốc thư
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Kinh tế-Xã hội phải là cẩm nang hiện thực hóa mục tiêu phát triển
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT
XEM NHIỀU NHẤT
-
Thông báo Chỉ tiêu tuyển sinh (tuyển mới) đào tạo trình độ đại học năm 2025 tại Học viện An ninh nhân dân
-
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC BỘ MÁY CÔNG AN NHÂN DÂN THEO HƯỚNG TINH, GỌN, MẠNH
-
Thông báo về việc tuyển dụng lao động hợp đồng trong Công an nhân dân
-
Minh chứng sống động phản bác “Văn kiện 50” của tổ chức Việt Tân
-
Đại hội Đảng bộ Văn phòng Học viện nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Học viện An ninh nhân dân tổ chức Tọa đàm “Công tác kiểm tra, giám sát phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp” tại Công an tỉnh Hải Dương