Bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 trong xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Chiều ngày 09/02/2022, tại Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở”. Trong chương trình Hội thảo, tham luận "BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013 TRONG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ" đã phân tích làm rõ vấn đề tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hoạt động có liên quan trực tiếp đến vấn đề quyền con người, quyền công dân, bài viết nêu ra những quan điểm cần quán triệt trong xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.
Củng cố, duy trì và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong bảo vệ an ninh, trật tự là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng ta. Tuy nhiên nhiều hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở phân tích làm rõ vấn đề tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hoạt động có liên quan trực tiếp đến vấn đề quyền con người, quyền công dân, bài viết nêu ra những quan điểm cần quán triệt trong xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đặt con người vào “vị trí trung tâm”, “mọi mục tiêu, động lực của sự phát triển là vì con người, do con người”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người đã trở thành một nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước. Nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, minh bạch hóa trách nhiệm nhà nước đã được thẩm thấu vào trong quy trình xây dựng luật pháp và chính sách về quyền con người, góp phần vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm quyền con người.
1. Tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hoạt động có liên quan trực tiếp đến vấn đề quyền con người, quyền công dân.
Việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là biểu hiện trực tiếp của việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Một trong số các quyền đó là quyền “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (Điều 28 Hiến pháp 2013). Người dân có thể thực hiện quyền của mình thông qua các cơ chế đại diện, qua các tổ chức xã hội hoặc trực tiếp. Việc mở rộng sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước và xã hội là một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay, nhằm phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, huy động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự có vai trò, vị trí quan trọng, là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực an ninh, trật tự. Trong xu thế dân chủ hóa các lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay, việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó có quyền tham gia vào hoạt động của các cấp chính quyền là rất quan trọng và cần thiết. Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp xã.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là hoạt động có sự tác động trực tiếp đến các quyền con người, quyền công dân như tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ… Chính vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng để giới hạn quyền của các lực lượng thực hiện và tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Do đó, việc xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết để vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp.
2. Quyền con người, quyền công dân sẽ chỉ là nhu cầu và khả năng ở dạng tiềm năng và không thể trở thành hiện thực nếu không có các điều kiện để thực hiện. Các điều kiện đó không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi công dân mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa v.v… đặc biệt là các yếu tố do Nhà nước tạo lập, hình thành hệ thống bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân có thể là các bảo đảm vể chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức, pháp lý. Từ góc nhìn của khoa học pháp lý, các bảo đảm pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính quyết định, là cốt lõi, là sự thể chế hóa các bảo đảm chính trị, kinh tế, xã hội, tổ chức thành các chuẩn mực có tính bắt buộc mà Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và xã hội phải thực hiện để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân. Các bảo đảm pháp lý rất đa dạng, phong phú, trước hết là sự ghi nhận bởi pháp luật các quyền con người, quyền công dân; đến việc thiết lập các thiết chế, bộ máy chuyên trách bảo đảm các quyền con người, quyền công dân cũng như đảm bảo các điều kiện cần thiết khác nhằm mục tiêu làm cho các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.
Đại hội XIII của Đảng xác định, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong ba khâu đột phá chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Văn kiện cũng nhấn mạnh "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Từ đó, đặt ra yêu cầu "Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân".
Xuất phát từ nghĩa vụ quan trọng và cơ bản “định ra các đạo luật” xác định quyền con người và quyền công dân, quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.Việc xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính là sự cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng, thể chế hóa các quyền hiến định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 tái khẳng định quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân và bổ sung: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28). Việc bổ sung này đã ràng buộc nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân nói chung, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng; qua đó, bảo đảm để quyền này của người dân được thực hiện trong thực tế.
Bên cạnh lực lượng công an chính quy hiện nay, các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở như tổ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại các địa phương. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tạo ra một hành lang pháp lý mạnh mẽ khuyến khích, động viên tinh thần tự nguyện cống hiến của người dân, huy động sức mạnh của nhân dân để phục vụ công tác giữ gìn an ninh, trật tự. Với vị trí, chức năng quan trọng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và là hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở, thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người dân, gắn bó mật thiết với nhân dân nên trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng đến nay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn và đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết. Trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Các chính sách, pháp luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
3. Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, trong xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải quán triệt những quan điểm dưới dây:
Một là, nhiều hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở động chạm đến các quyền con người, quyền công dân do đó phải được quy định bằng văn bản luật chứ không thể là văn bản khác được. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Ngoài ra, về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do đó, cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào một đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.
Hai là, việc mở rộng sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước và xã hội thông qua các phương thức khác nhau sẽ bảo đảm cho việc ban hành, thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước được đúng đắn, quyền làm chủ của người dân được bảo đảm. Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người dân có quyền được tham gia bảo vệ an ninh, trật tự để bảo đảm và thực hiện các quyền không thể thiếu về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Vì vậy, trong xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải không làm hạn chế mà ngược lại thu hút được các loại hình tổ chức, lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản tham gia thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để các lực lượng hoạt động có hiệu quả cần có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng.
Ba là, quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng có liên quan như: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [1]; chủ trương xây dựng, hoàn thiện thiết chế xã hội để bảo đảm quyền con người, quyền công dân bên cạnh các thiết chế nhà nước và thiết chế truyền thông, báo chí tại định hướng thứ 9 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 [2]; các chủ trương về xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở… được quy định cụ thể tại các văn bản như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả v.v…
Bốn là, việc xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải thống nhất với quy định của các luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ và có tính khả thi.
Nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và nhiều chủ thể trong xã hội. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan điều chỉnh vấn đề này không hề nhỏ, trong đó điều chỉnh trực tiếp là các văn bản như: Luật Công an nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Quốc phòng; Luật Dân quân tự vệ; Pháp lệnh Công an xã; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng cháy và chữa cháy… Vì vậy, quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải rà soát, tiến hành đánh giá tác động của văn bản một cách thật đầy đủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng phải đảm bảo tính khả thi để các quyền con người, quyền công dân trở thành hiện thực chứ không phải là các “quyền trên giấy”.
Năm là, quá trình xây dựng chính sách pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài cũng như những kinh nghiệm quý báu trong lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã tồn tại ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công. Cho đến nay, lực lượng này ngày càng phát huy vai trò của nó. Đối với kinh nghiệm của một số nước có lực lượng này, ví dụ như: ở Singapore thì gọi là lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia rất nhiều các công việc như tự nguyện cấp cứu người bị thương, người bị nạn ở trên đường phố; hoặc ở Nga, Mỹ… cũng có rất nhiều các lực lượng như vậy. Ở Việt Nam, từ trước cách mạng, chế độ cũ cũng đã tổ chức lực lượng này, ví dụ ở từng thôn, từng xã có những điếm canh để cho các lực lượng này hoạt động. Đó chính là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta có thể nghiên cứu kế thừa trong việc hoạch định chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Cùng với quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Nhà nước cũng phải xây dựng các cơ chế bảo đảm cho hệ thống chính sách, pháp luật đó được thực thi trên thực tế, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức, thực hiện, bảo đảm sự tôn trọng các quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, để mọi người được thụ hưởng và phát triển các quyền của mình trong thực tế; ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân. Việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn phải tạo điều kiện, thúc đẩy, kiến tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho việc tiếp cận quyền con người, quyền công dân của tất cả mọi người, của các nhóm xã hội.
Với mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, một nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, cần phải xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật cho tương lai theo hướng tiếp cận từ quyền con người, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, không cho phép ai, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
Và trên tất cả, hệ thống chính sách, pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần có sự nỗ lực thực thi của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và cả người dân để bảo đảm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.
T.L.T – N.M.Đ
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Đảng ủy Học viện An ninh nhân dân tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5/2023
- Khai giảng Khóa Cao học 31 ngành An ninh phi truyền thống
- Tuổi trẻ Học viện An ninh nhân dân xung kích học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ Công an nhân dân
- Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2018 - 2023
- Khai giảng các khóa đào tạo trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học đợt bổ sung năm học 2022 - 2023
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT

XEM NHIỀU NHẤT
-
Tuyển sinh Khóa 55 đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới công dân tốt nghiệp trung học phổ thông của Học viện An ninh nhân dân năm 2023
-
Quy trình tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã
-
Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí đối với Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng và trao quyết định điều động Đại tá, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên giữ chức vụ Giám đốc Học viện An ninh nhân dân
-
Thông báo về việc ban hành đề cương đề thi, đề thi tham khảo dùng trong tuyển sinh đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới công dân có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, năm 2023
-
Học viện An ninh nhân dân và Công an TP Hồ Chí Minh ký kết ghi nhớ hợp tác
-
Đảng ủy Học viện An ninh nhân dân tổ chức hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2023