Hội thảo Khoa học cấp Bộ “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Lý luận và thực tiễn” tại Học viện An ninh nhân dân
Thực hiện Kế hoạch Số 10/KH-BCA ngày 25/01/2022 của Bộ Công an về việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Lý luận và thực tiễn”, ngày 11/02/2022, tại Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - Lý luận và thực tiễn”.
Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu tại Hội thảo.
Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo. Hội thảo nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo về bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và góp phần xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự Hội thảo, về phía khách mời ngoài ngành Công an có các đồng chí: PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Tiến Thịnh, Đại biểu chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Sỹ Lộc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Đại tá, TS Vũ Huy Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội.
Về phía ngành Công an có các đồng chí: Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đại tá, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Cục, đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Học viện, trường Công an nhân dân…và các cơ quan Thông tấn báo chí.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đề dẫn tại Hội thảo nêu rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, được thành lập ở xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân; có chức năng hỗ trợ cho lực lượng CAND trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn cơ sở. Ở nước ta, các lực lượng này được lập ra từ rất sớm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong đó, Công an xã bán chuyên trách được thành lập từ năm 1945; Bảo vệ dân phố được thành lập từ năm 1955; Lực lượng dân phòng được thành lập từ những năm 1960.
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển; trải qua các thời kỳ khác nhau, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; sự chỉ đạo nghiệp vụ của lực lượng CAND các cấp; sự giúp đỡ, cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở.
Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo
Thực tiễn tổ chức và hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: các quy định hiện hành về các lực lượng này được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có giá trị pháp lý khác nhau. Chưa có quy định đầy đủ về vị trí, chức năng của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và mối quan hệ với các lực lượng khác. Việc thực hiện chế độ, chính sách còn có sự thiếu thống nhất giữa các địa phương; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lực lượng này ở một số nơi còn hạn chế.
Hội thảo nhằm thống nhất nhận thức về quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cung cấp các luận cứ khoa học về lý luận và thực tiễn làm rõ các vấn đề về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Toàn cảnh Hội thảo
Quá trình tổ chức, Hội thảo đã nhận được 46 bài viết tham luận có chất lượng của các đại biểu là đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an; đại diện Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng; đại diện trường Đại học An ninh nhân dân…
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo
Thông qua trao đổi, thảo luận, các nhà khoa học và đại biểu tham dự hội thảo đã khẳng định các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng đã và đang được tổ chức, hoạt động ở địa bàn cơ sở, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; các lực lượng này có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở. Đồng thời, tại hội thảo các nhà khoa học đã chỉ ra các quy định pháp luật hiện nay làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa đủ mạnh, cần có sự thống nhất, hoàn thiện hơn. Mặt khác, các nhà khoa học tham dự hội thảo cũng nhấn mạnh, sự ra đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bản chất là việc hợp nhất các lực lượng, chức danh đang tồn tại để đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; điều này không làm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác, không làm phát sinh chi ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, các ý kiến tham luận cũng đã phân tích đánh giá tác động của sự ra đời lực lượng này là phù hợp với phương châm “bốn tại chỗ” trong giải quyết các vấn đề phức tạp tại cơ sở, phát huy khả năng tác chiến, chuyên nghiệp của quần chúng nhân dân tham gia bảo bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở đó, Hội thảo đưa ra khuyến nghị cần sớm xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Kết lại Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng đánh giá cao các bài viết đăng trong kỷ yếu Hội thảo và các ý kiến tham luận tại Hội thảo thể hiện rõ sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cán bộ hoạt động thực tiễn và chính điều đó tạo nên sự thành công của Hội thảo. Đồng chí Giám đốc Học viện An ninh nhân dân trân trọng ghi nhận các tham luận tâm huyết tại Hội thảo và giao Ban Tổ chức tập hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo Bộ Công an làm luận cứ khoa học nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Dự án ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua.
Ban biên tập.
Tag: Hội thảo Khoa học
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Đảng ủy Học viện An ninh nhân dân tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5/2023
- Khai giảng Khóa Cao học 31 ngành An ninh phi truyền thống
- Tuổi trẻ Học viện An ninh nhân dân xung kích học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ Công an nhân dân
- Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2018 - 2023
- Khai giảng các khóa đào tạo trình độ đại học hình thức vừa làm vừa học đợt bổ sung năm học 2022 - 2023
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT

XEM NHIỀU NHẤT
-
Tuyển sinh Khóa 55 đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới công dân tốt nghiệp trung học phổ thông của Học viện An ninh nhân dân năm 2023
-
Quy trình tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã
-
Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí đối với Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng và trao quyết định điều động Đại tá, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên giữ chức vụ Giám đốc Học viện An ninh nhân dân
-
Thông báo về việc ban hành đề cương đề thi, đề thi tham khảo dùng trong tuyển sinh đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới công dân có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, năm 2023
-
Học viện An ninh nhân dân và Công an TP Hồ Chí Minh ký kết ghi nhớ hợp tác
-
Đảng ủy Học viện An ninh nhân dân tổ chức hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2023