Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần nhận diện đầy đủ hơn các hành vi bạo lực gia đình
Chiều 16-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc trình sửa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội vì hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật chưa bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. “Cần nhận diện đầy đủ hơn hành vi này. Bởi nhiều khi bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác. Thậm chí, có chuyên gia nói, việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là hành vi bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo có những nghiên cứu sâu thêm về quy định về hành vi bạo lực “áp dụng với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như dự thảo là chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Dẫn lại trường hợp em bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu mới đây, Chủ tịch Quốc hội nhận định tình trạng xâm hại, bạo hành con riêng của vợ, mẹ kế bạo hành con riêng của chồng... cũng diễn ra rất nhức nhối.
“Lần sửa đổi này nhận diện và và khắc phục việc này thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu băn khoăn và đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan thuộc khối tư pháp xem rà soát để nhận diện và có biện pháp để khắc phục.
Ở góc độ giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lại nhắc đến khía cạnh bạo lực gia đình liên quan đến việc dạy và học thời gian gần đây, nhiều vụ việc đã dẫn đến những câu chuyện đau lòng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đến hiện tượng kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với con cái dẫn đến việc các cháu phải học đến 3-4 giờ sáng hay mong muốn con cái phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp của cha mẹ, hay là niềm hãnh diện của cha mẹ... đã tạo ra những áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em.
“Áp lực trong lao động, học tập, cưỡng ép trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp trái với nguyện vọng của trẻ em...cũng là một dạng bạo lực cần nhận diện”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói và đề nghị dự thảo luật cần diễn đạt rõ hơn về việc không gây áp lực quá lớn trong lao động và học tập cho trẻ em.
Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người bị bạo lực
Trước đó, trình bày tóm tắt về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Bạo lực gia đình hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Kết quả điều tra này còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Không chỉ bạo lực gia đình với phụ nữ mà bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến và có nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua.
Tag:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Tổng thống Kazakhstan sắp thăm chính thức Việt Nam
- Hoàn thành sớm nhất việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE
- Cảnh giác thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ chính sách ngoại giao của Việt Nam
- Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc một số dự án luật về an ninh, trật tự
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT
XEM NHIỀU NHẤT
-
Tuyển sinh Khóa 55 đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới công dân tốt nghiệp trung học phổ thông của Học viện An ninh nhân dân năm 2023
-
Quy trình tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã
-
Thông báo về việc ban hành đề cương đề thi, đề thi tham khảo dùng trong tuyển sinh đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới công dân có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, năm 2023
-
Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí đối với Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng và trao quyết định điều động Đại tá, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên giữ chức vụ Giám đốc Học viện An ninh nhân dân
-
Học viện An ninh nhân dân và Công an TP Hồ Chí Minh ký kết ghi nhớ hợp tác
-
Đảng ủy Học viện An ninh nhân dân tổ chức hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2023