Hội thảo quốc tế “Chia sẻ chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” tổ chức tại Học viện An ninh nhân dân
Ngày 05/12/2022, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới về tư pháp người chưa thành niên - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng - Giám đốc Học viện An ninh nhân dân (ANND) thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời quốc tế có bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam; Chuyên gia của UNICEF.
Về phía khách mời ngoài ngành Công an có TS Nguyễn Minh Khuê - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Ban Quản lý dự án của Bộ Tư pháp; đại diện Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Về phía ngành Công an có Đại tá, TS Tống Văn Khuông - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân; đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp; đại diện Cục Cảnh sát hình sự.
Về phía Học viện có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện; cán bộ, giảng viên Học viện.
Trung tướng Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Trung tướng PGS.TS Lê Văn Thắng - Giám đốc Học viện ANND nhấn mạnh, là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về trẻ em, Việt Nam luôn cam kết đảm bảo các quyền lợi cơ bản của trẻ em, trong đó có sự nỗ lực không ngừng trong cải cách pháp luật, đặc biệt là củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật không hướng đến mục tiêu trừng phạt mà thay vào đó là các biện pháp mang tính khoan dung hơn, mang tính giáo dục, cải tại và phục hồi, chuyển hướng, hoà nhập cộng đồng, từ đó cảm hoá, hướng thiện, giúp người chưa thành niên sửa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Chính sách xử lý khoan hồng, hướng thiện đối với người chưa thành niên được quy định cụ thể trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tuy nhiên, các quy định về tư pháp của người chưa thành niên hiện vẫn còn tản mạn, chưa đồng bộ, chưa tiệm cận các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế; những cách thức tiếp cận phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên như xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi chưa được nhận thức đầy đủ; việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chưa thành niên tái hoà nhập cộng đồng sau khi ra khỏi trại tạm giam hoặc trường giáo dưỡng còn thiếu hiệu quả. Những bất cập, hạn chế này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 34 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Công an các đơn vị, địa phương, các cơ sở giáo dục có uy tín trong và ngoài nước. Từ các tham luận đã rút ra những bài học kinh nghiệm hoặc đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật và tư pháp cho người chưa thành niên và nâng cao hiệu quả thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam.
Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung lãm rõ những chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên cũng như những kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức thực hiện hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên trên thế giới và tại Việt Nam. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam.
Theo quan điểm của bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam cho rằng, phát huy thành tựu đã đạt được, Việt Nam cần cân nhắc xây dựng một đạo luật tư pháp về người chưa thành niên, ưu tiên sử dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng, coi các giải pháp tạm giam, tạm giữ là biện pháp sau cùng; tăng cường trang bị cho lực lượng tham gia, đặc biệt là lực lượng Công an kiến thức, kỹ năng để làm việc với người chưa thành niên.
Các chuyên gia quốc tế của UNICEF tham dự và chia sẻ thông tin tại Hội thảo.
Theo chia sẻ của bà Shelley Casey, chuyên gia quốc tế của UNICEF, Công ước quốc tế về quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên có cách xử lý riêng biệt và rõ ràng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Mục đích của hệ thống tư pháp chuyên biệt dành cho người thành niên là hỗ trợ trẻ sửa chữa hành vi của mình và trở thành những công dân có ích, tuân thủ pháp luật.
Cũng theo bà Shelley Casey, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc tham gia của cán bộ công tác xã hội ngay từ giai đoạn đầu rất hiệu quả trong việc xác định được các yếu tố nguy cơ tác động, thường là cội nguồn dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ. Từ đó, giúp cơ quan chức năng có thể để đưa ra các quyết định phù hợp, xử lý chuyển hướng trước khi xét xử. Khuyến khích các quốc gia thành lập các toà chuyên trách, thẩm phán chuyên trách về người chưa thành niên; được tổ chức ở phòng xét xử riêng với lịch xét xử riêng. Chế tài xử phạt không chỉ phù hợp với hành vi vi phạm mà còn phải căn cứ vào hoàn cảnh vi phạm của người chưa thành niên, hướng tới mục tiêu giáo dục, hoà nhập với cộng đồng; nên ưu tiên các chế tài không giam giữ; khuyến khích bãi bõ hình thức tù chung thân đối với người chưa thành niên; xem xét thiết lập các cơ sở riêng biệt dành cho người chưa thành niên bị tước quyền tự do, trong đó bố trí các các nhân viên đã qua đào tạo và hoạt động theo các chính sách và thông lệ thân thiện với trẻ em...
Thượng tá, ThS Khổng Ngọc Oanh - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tá, ThS Khổng Ngọc Oanh - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ năng điều tra thân thiện trong hỏi cung, lấy lời khai. Theo đồng chí, điều tra thân thiện được hiểu là việc áp dụng phương pháp, kỹ năng của cán bộ Công an khi tiếp cận, làm việc với người dưới 18 tuổi là nạn nhân, nhân chứng, người vi phạm pháp luật trong các vụ án, vụ việc theo nguyên tắc đảm bảo các yêu cầu, yếu tố tâm lý, quyền được bảo vệ và lợi ích tốt nhất cho họ, không để các em căng thẳng, lo sợ hoặc bị tổn thương trong quá trình xác minh, giải quyết vụ án. Hiện Bộ Công an đang tiến hành xây dựng các mô hình phòng điều tra thân thiện đặt tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương.
Đồng chí TS Nguyễn Minh Khuê - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh Khuê - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cũng đã giới thiệu các biện pháp xử lý chuyển hướng, một số kinh nghiệm thành công và thách thức đặt ra trong việc thực hiện biện pháp chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại các quốc gia Châu Á như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Từ thực tiễn nghiên cứu, TS Nguyễn Minh Khuê đã đúc kết các yếu tố dẫn đến thành công mà các quốc gia đạt được là phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, đặc biệt là Luật riêng về tư pháp người chưa thành niên; mức độ sẵn có và đa dạng của các chương trình phục hồi; báo cáo đánh giá, trợ giúp pháp lý; cơ chế xem xét, giám sát hướng dẫn và điều chỉnh chương trình; dữ liệu thống kê đầy đủ về chuyển hướng và các biện pháp thay thế khác cho trẻ em…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng - Giám đốc Học viện ANND khẳng định, qua 02 phiên tham luận, Hội thảo đã làm rõ các quy định, khuyến nghị của pháp luật quốc tế trong tăng cường tư pháp người chưa thành niên, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất đối với việc nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế trong tư pháp người chưa thành niên. Trong quá trình tham luận, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm lập pháp hình sự trong xây dựng hệ thống tư pháp mang tính chất chuyên biệt đối với người chưa thành niên ở một số quốc gia, từ đó đưa ra những khuyến nghị quan trọng trong xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam.
Hội thảo cũng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, trong đó hướng đến việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên với tính chất một đạo luật chuyên biệt, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều phối quốc gia, của các cơ quan và người tiến hành tố tụng trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện; về vai trò của nhân viên công tác xã hội trong tư pháp người chưa thành niên; về các biện pháp xử lý chuyển hướng, cơ chế thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu truyền thống.
Hội thảo quốc tế “Chia sẻ chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới về tư pháp người chưa thành niên - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” tổ chức tại Học viện ANND đã diễn ra thành công tốt đẹp. Những đóng góp của các đại biểu là những thông tin khoa học pháp lý bổ ích, thiết thực có tính chất khuyến nghị giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên, tăng cường tiếp cận công lý nhằm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của người chưa thành niên vi phạm pháp luật./.
Nguyễn Trung Hiếu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Hội nghị quán triệt Quyết định số 90 của Ban Bí thư; đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị
- Hội thảo khoa học cấp hội đồng “Công tác điều tra hình sự của các cơ quan trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra” tại Học viện An ninh nhân dân
- Hội nghị hợp tác An ninh Việt Nam - Lào lần thứ XIII
- Coi trọng công tác bảo hiểm xã hội, khích lệ cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác
- Tuyên dương 75 gương đoàn viên Công đoàn CAND tiêu biểu trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy
BÌNH LUẬN
MỚI NHẤT
XEM NHIỀU NHẤT
-
Tuyển sinh đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới năm 2023 đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên
-
Học viện An ninh nhân dân tổ chức đón tiếp thí sinh trúng tuyển Khoá 2 đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới đối với công dân có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên
-
Khai giảng Khóa 02 đào tạo trình độ đại học chính quy tuyển mới đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mở tại Học viện An ninh nhân dân
-
Học viện An ninh nhân dân tổ chức Lễ xuất quân đưa học viên Khoá 2 đào tạo Văn bằng 2 tuyển mới tham gia huấn luyện đầu khoá tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động
-
Học viện An ninh nhân dân tổ chức nhập học cho thí sinh trúng tuyển các khoá đào tạo trình độ đại học mở tại Học viện
-
Triệu tập thí sinh trúng tuyển các khóa đào tạo đại học mở tại Học viện An ninh nhân dân năm 2022